Sức mạnh của cảm xúc và nghệ thuật làm chủ tâm trí từ cuốn sách Đánh thức bản năng học tập phi thường trong bạn

Đánh thức bản năng học tập phi thường trong bạn
Giữa những trang sách của cuốn “Đánh thức bản năng học tập phi thường trong bạn”, mình bắt gặp một chương mang tên “Dũng cảm đối mặt, xóa bỏ sự mơ hồ trong cảm xúc”. Vì sao lại có một chương như vậy trong cuốn sách về học tập? Không phải sách học tập nên tập trung vào các phương pháp học sao? Hóa ra, chương sách này như một lời nhắc nhở đầy mạnh mẽ về sức ảnh hưởng to lớn của cảm xúc đến quá trình học tập. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, sự phấn khích hay thất vọng, tất cả đều có thể tác động đến hiệu quả tiếp thu kiến thức của chúng ta.
Đọc xong mình mới biết, cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tiếp thu kiến thức. Dù là sự phấn khích, buồn bã, hay lo lắng, tất cả đều có thể tác động đến hiệu quả học tập. Bộ não con người, dù mạnh mẽ, chỉ có thể xử lý một lượng thông tin nhất định tại một thời điểm. Khi cảm xúc chi phối, chúng chiếm dụng một phần “nguồn lực trí tuệ” quý giá này, khiến mỗi người đều sẽ thấy khó có thể tập trung và ghi nhớ.
Hãy hình dung bộ não như một căn phòng với 7 quả bóng, tượng trưng cho khả năng xử lý thông tin. Những cảm xúc tích cực như niềm vui, sự háo hức có thể khiến những quả bóng này nhảy nhót không ngừng, làm ta dễ bị xao nhãng. Ngược lại, những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi lại như những quả bóng nặng nề, đè nén tâm trí và cản trở quá trình học tập.
Đánh thức bản năng học tập phi thường trong bạn
Đánh thức bản năng học tập phi thường trong bạn
Ví dụ, khi chúng ta đang cố gắng học bài cho kỳ thi quan trọng, nhưng trong lòng lại tràn ngập nỗi lo lắng về kết quả, ta sẽ thấy việc tập trung trở nên vô cùng khó khăn. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ liên tục xuất hiện, làm chúng ta không thể tập trung vào nội dung bài học.
Vậy, làm thế nào để kiểm soát cảm xúc và tối ưu hóa khả năng học tập?
Tác giả Chu Lĩnh đã đưa ra câu trả lời, đó là sử dụng việc “viết ra”. Khi viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình, chúng ta đang thực hiện một quá trình chuyển hóa những điều đó từ trạng thái trừu tượng sang cụ thể. Điều này giúp bản thân nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng hơn, từ đó tìm ra giải pháp và giải phóng tâm trí khỏi những gánh nặng.
Đối với những suy nghĩ tích cực, việc viết ra giúp nhận ra chúng không quá quan trọng và có thể tạm gác lại để tập trung vào việc học. Đối với những cảm xúc tiêu cực, việc viết ra giúp đối diện với chúng, hiểu rõ nguyên nhân và tìm cách giải quyết.
Trong cuốn sách “Mở Rộng Trái Tim” của James Pennebaker cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Ông khuyến khích mọi người viết về những trải nghiệm tiêu cực và đặt ra hai câu hỏi: “Tại sao sự kiện này lại xảy ra?” và “Tôi có thể rút ra bài học gì từ đây?”
Tác giả Chu Lĩnh đã nhấn mạnh, không chỉ có tác dụng giúp kiểm soát cảm xúc, việc viết còn là công cụ hữu hiệu để tăng cường khả năng tập trung. Khi nào cảm thấy mất tập trung, hãy dành 5 phút để viết ra những gì đang diễn ra trong đầu. Kết quả sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên vì thấy mình có thể tập trung trở lại dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc viết còn giúp ta hiểu rõ bản thân. Khi viết về những suy nghĩ và cảm xúc, mỗi người cũng đang tự khám phá những góc khuất trong tâm trí và tìm hiểu những gì thực sự quan trọng với chính mình.
“Khi ‘bộ nhớ làm việc’ được làm sạch, chúng ta sẽ có điều kiện để đạt trạng thái tập trung cao độ. Đừng xem thường việc ‘ghi chép lại’. Chỉ cần bạn kiên trì áp dụng, bạn sẽ thấy nó là công cụ hữu ích không ngờ, giúp bạn tận hưởng lợi ích to lớn.” Mình đã áp dụng và cảm thấy rất hiệu quả, mong là kiến thức hữu ích trong cuốn sách này cũng giúp được cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *