Overthinking là gì? Nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết suy nghĩ quá mức

Cụm từ Overthinking đang dần được sử dụng phổ biến và xuất hiện nhiều trong xã hội, vậy hội chứng Overthinking này là gì? Hãy cùng YMATE tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hội chứng này và dấu hiệu để bạn nhận ra mình đang gặp phải nó nhé.

Overthinking là gì?

Overthinking được dịch là suy nghĩ quá nhiều, đây là tình trạng một người bị chìm vào trong những suy nghĩ lo lắng quá mức về một tình huống hoặc sự kiện nào đó, dù đó chỉ là điều nhỏ nhặt. Việc này khiến cho bạn bị choáng ngợp bởi suy nghĩ của mình và dễ dàng bị căng thẳng, lo âu.

Lợi ích của việc suy nghĩ kỹ lưỡng là giúp chúng ta cân nhắc cẩn thận, giảm rủi ro và tăng khả năng ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, nếu để suy nghĩ quá mức chiếm lĩnh, nó lại dẫn đến việc trì hoãn và mất tập trung. Người mắc Overthinking thường gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả tinh thần lẫn sức khỏe tổng thể.

 

Overthinking là gì?

Nguyên nhân dẫn đến Overthinking

Hội chứng Overthinking đang xuất hiện nhiều khiến nó trở thành một vấn đề phổ biến cần được giải quyết sớm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Overthinking, và hầu hết chúng bắt nguồn từ tâm lý lo lắng và căng thẳng. Đây là những nguyên nhân chính khiến chúng ta lo âu và gặp phải Overthinking:

1. Áp lực từ công việc và cuộc sống

Đây là một áp lực phổ biến bởi xã hội càng phát triển và mọi công việc dần đòi hỏi những yêu cầu cao hơn. Vì vậy nhiều vấn đề xã hội lại càng nảy sinh như thất nghiệp do công nghệ hiện đại thế chỗ cho con người hay yêu cầu kỹ năng và lượng công việc ngày càng lớn. Những vấn đề này đều khiến nhiều người phải đối mặt với áp lực và trách nhiệm to lớn, dễ dàng rơi vào trạng thái suy nghĩ quá mức mà không thể tìm được hướng giải quyết.

2. Lo âu và thiếu tự tin về bản thân

Nhiều người luôn cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, và sẽ dễ gặp căng thẳng khi sắp làm một việc gì đó mà họ tin rằng họ không đủ khả năng. Chính vì thế mà mỗi lần làm một việc gì, họ đều suy nghĩ quá mức về những khả năng thất bại có thể xảy ra nếu họ làm sai. Họ liên tục trằn trọc, lo lắng về kết quả khiến cho tinh thần ngày càng đi xuống. Điều này gây cản trở tới hoạt động thường ngày của họ, thậm chí là việc căng thẳng quá mức có thể thật sự dẫn đến kết quả thất bại như họ đã lo lắng. 

3. Thiếu kiểm soát bản thân

Những người mắc phải tình trạng Overthinking không thể khống chế những suy nghĩ của mình. Họ dễ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực khi lo lắng và không thể loại bỏ được nó ra khỏi đầu mình. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với thông tin đa chiều, điều này đôi khi làm tăng thêm sự mơ hồ và lo lắng, khiến Overthinking trở nên phổ biến hơn.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang mắc phải Overthinking

Việc suy nghĩ hoặc lo lắng là điều bình thường, nhưng làm thế nào để biết mình đang suy nghĩ quá mức? 

Dấu hiệu Overthinking

 

Theo cuốn sách “Stop Overthinking – Sống tự do, không âu lo”, tác giả Chase Hill đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị choáng ngợp và mắc kẹt trong suy nghĩ của mình:

1. Chứng mất ngủ

Mất ngủ xuất hiện khi bạn không thể ngừng suy nghĩ. Dù đã trải qua một ngày mệt mỏi, bạn lại không thể chợp mắt khi nằm xuống giường vì hàng loại suy nghĩ ùa vào tâm trí bạn. Những suy nghĩ đấy ám ảnh bạn về những điều bạn không thể kiểm soát, hoặc có thể kiểm soát nhưng đã không làm.

2. Sống trong lo âu

Nếu bạn không thể thư giãn cho đến khi bạn đã suy nghĩ và lên kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra hoặc chưa xảy ra, thì đây là dấu hiệu bạn đang mắc kẹt trong đầu mình. Nếu suy nghĩ của bạn khiến bạn lo âu và sợ hãi những điều chưa biết, cần kiểm soát mọi thứ thì đó là dấu hiệu bạn đang sống trong sợ hãi và rơi vào tình trạng tâm trí bị mắc kẹt.

3. Phân tích quá mức mọi thứ xung quanh

Bạn không thể sống trong hiện tại bởi vì điều này gây ra một lượng lớn lo âu do tâm trí bạn bận rộn với tất cả mọi thứ khác. Người phân tích quá mức sẽ khó chấp nhận sự thay đổi vì thay đổi hiếm khi được dự tính trong kế hoạch, khiến họ rơi vào vòng xoáy tiêu cực khi phải đối mặt với điều gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát.

4. Sợ hãi thất bại

Những người hoàn hảo không thể chấp nhận thất bại và sẽ nỗ lực hết sức để tránh điều đó. Bởi một khi thất bại, họ sẽ tự dằn vặt bản thân và suy nghĩ liên tục về lỗi lầm đấy. Hậu quả của hành vi này là những người hoàn hảo sẽ tránh xa việc đưa ra quyết định lớn hay chấp nhận cơ hội lớn vì họ thà không làm gì còn hơn là đối mặt với rủi ro nếu như thất bại.

5. Nghi ngờ bản thân

Bạn luôn cảm thấy mọi thứ chưa đủ tốt, để rồi đến cuối cùng, bạn rơi vào một chu trình lặp đi lặp lại không hồi kết. Bạn suy nghĩ quá mức vì không thể chấp nhận sự thay đổi, hoặc thiếu lòng tin vào chính mình, thường xuyên nghi ngờ bản thân vì sợ sai lầm hoặc đưa ra quyết định sai lầm. Bạn cần gấp đôi thời gian để xử lý thông tin, bởi bạn luôn nghi ngờ người khác và tự hỏi liệu mình đã hiểu đúng cuộc trò chuyện hay chưa.

6. Đau đầu

Hệ quả của việc nghi ngờ bản thân và suy nghĩ lặp đi lặp lại chính là cơn đau đầu, bởi tâm trí không thể tìm được chút bình yên nào, dù chỉ trong phút chốc. Chứng đau đầu cảnh báo rằng chúng ta cần dừng lại, thư giãn và lấy lại cân bằng. Đó là biểu hiện rõ ràng của việc tâm trí và cơ thể cần được giải tỏa căng thẳng.

7. Cơ bắp đau nhức và khớp cứng

Suy nghĩ quá mức là một trong những nguyên nhân chính gây ra stress. Tiếp tục với thói quen này, não bộ của bạn sẽ bị mắc kẹt trong một trạng thái lo lắng liên tục, dẫn đến những mô hình suy nghĩ tiêu cực và các rối loạn tâm trạng hoặc stress khác. Khi căng thẳng hoặc suy nghĩ quá mức sẽ khiến toàn bộ cơ thể bạn chịu ảnh hưởng. Não bộ ảnh hưởng đến cơ bắp và tình trạng tâm lý của bạn, làm cho bạn cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần.

8. Kiệt sức

Như đã nói ở triệu chứng trước, chúng ta sẽ cảm thấy kiệt sức nếu nhận lấy nhiều công việc vượt quá khả năng của cơ thể và tâm trí. Kiệt sức là cách cơ thể báo hiệu bạn đang trên bờ vực kiệt quệ. Nếu bạn luôn trong trạng thái hoạt động không ngừng nghỉ, cả về thể chất lẫn tinh thần, thì rất dễ rơi vào tình trạng kiệt sức.

9. Không thể sống trong hiện tại

Bạn có bao giờ thấy mình đang cố gắng chú tâm lắng nghe người khác, nhưng lại bị chính những suy nghĩ của mình làm phân tâm không? Hay khi bạn muốn tận hưởng từng khoảnh khắc với con cái hay người bạn đời, nhưng lại không ngừng lo lắng về những điều cần làm, những việc chưa hoàn thành? Suy nghĩ quá nhiều khiến bạn không thể tập trung và bỏ lỡ mọi điều quan trọng nhất của cuộc sống.

Cách kiểm soát và vượt qua Overthinking

Lý do chính khiến hầu hết mọi người lo lắng là vì họ hoặc suy nghĩ lại mọi lựa chọn hay quyết định họ đưa ra, hoặc họ không thể chấp nhận rằng họ không có quyền kiểm soát và vì thế, họ trở thành những người cầu toàn hoặc “cuồng kiểm soát” để cảm thấy tốt hơn. 

Tuy nhiên, liệu nhu cầu kiểm soát hoặc làm hoàn hảo mọi thứ có thực sự khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn không? Nếu câu trả lời là không, thì hãy xem xét những cách của Chase Hill đã đưa ra trong cuốn sách “Stop Overthinking” để bạn có thể kiểm soát tâm trí mình một cách tích cực:

  • Đặt “thời gian lo lắng” dưới 1 giờ để giải quyết tất cả những lo lắng của mình và đưa ra giải pháp hiệu quả.
  • Luyện tập sự Chánh Niệm rằng những lo âu chỉ là suy nghĩ, không cần phải hành động hay gắn kết cảm xúc với nó, chỉ cần nhận thức và chấp nhận sự tồn tại của nó.
  • Tập thể dục và vận động cùng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Nhận diện những điều ngoài tầm kiểm soát, những gì bạn có thể kiểm soát và buông bỏ những điều không thể.
  • Đánh giá nỗi sợ của bạn vì đa phần, nỗi lo xuất phát từ nỗi sợ điều gì đó sắp xảy ra.
  • Luyện tập thiền định để lấy lại sự bình tĩnh và giúp tâm trí ta vững vàng hơn trong việc đối diện với stress.
  • Phát triển lời nói tích cực với bản thân như “Mình biết mình có thể”, “Mình tự tin” hoặc “Mình kiên cường.”
  • Thay thế những lo lắng bằng sự thật “Chỉ có hiện tại là quan trọng; tôi không thể thay đổi quá khứ và không thể dự đoán tương lai.”
  • Chấp nhận những điều không biết trước bởi vì những điều đó là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống của chúng ta.

Bất cứ ai cũng đều có những suy nghĩ và lo lắng trong tâm trí mình. Tuy nhiên, biết cách kiểm soát nó là điều cần thiết để bản thân không bị mắc kẹt trong sự tiêu cực và ảnh hưởng tới sức khoẻ.

 

Vượt qua Overthinking

Trên đây là những điều YMATE tổng hợp từ cuốn sách “Stop Overthinking – Sống tự do, không âu lo” của tác giả Chase Hill. Cuốn sách đưa ra 7 bước khoa học và thiết thực để dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và bắt đầu suy nghĩ tích cực. Nếu bạn nhận thấy mình đang có những dấu hiệu của việc Overthinking, hãy tìm hiểu cuốn sách để có thể cải thiện bản thân ngay nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *